CEO GoViet rất hứng thú với công việc mới vì nhìn thấy được cách mà GoJEK thành công ở Indonesia, họ xác định cho mình đối tượng là nhóm lao động thu nhập thấp, chỉ xoay quanh chiếc xe gắn máy và tập trung đi sâu vào mảng dịch vụ.
Dịch vụ GoFood ở Indonesia đã tạo một cuộc cách mạng cho thị trường ăn uống ở đất nước này, tăng tính cạnh tranh cho thị trường, các hàng quán có khả năng tiếp cận khách hàng tốt hơn. GoJEK tạo được một hệ sinh thái rất hay với việc đánh vào các mảng như shopping, làm đẹp tận nhà, massage, dọn vệ sinh…
“Do thị trường Việt Nam còn mới nên chưa bung hết nhưng tôi tin là hệ sinh thái sẽ ở Việt Nam sẽ rất tốt. Tôi hy vọng làm được thật nhiều dịch vụ như vậy ở Việt Nam”
CEO GoViet Lê Diệp Kiều Trang nhận định trong thời gian tới: thị trường Việt Nam sẽ được chia làm 2 mảng là kinh doanh dựa trên sự kết nối giữa con người với con người thông qua Internet như GoViet, Giaohangnhanh, Tiki… và kinh doanh các sản phẩm công nghệ như Biotech…
Trong đó, cô cho rằng mảng kinh doanh dựa vào Internet sẽ được nhiều nhà đầu tư rót tiền vào vì trong bối cảnh toàn cầu, khu vực Đông Nam Á hiện là thị trường rộng lớn với gần 700 triệu dân, trong đó có khoảng 80% – 90% có điện thoại thông minh, giá cả Data Internet 3G-4G lại rất rẻ.
“Không ngạc nhiên là tiền đổ vào khu vực trong năm vừa qua nhiều nhất, đặc biệt ở Indonesia có tới 3 công ty kỳ lân hình thành từng gọi vốn được hàng trăm triệu USD. Như vậy, Việt Nam cũng cần đặt ra câu hỏi trước khả năng của cả startup và các nhà làm chính sách của Indonesia trong vấn đề gọi vốn từ thị trường quốc tế”
Sau Indonesia, thì Việt Nam cũng là một nước có nhiều cơ hội và triển vọng bởi nhóm kỹ sư khá mạnh nhưng ai sẽ phát triển và phát triển thế nào vẫn còn là một dấu chấm hỏi.
TheLEADER